Skip to content Skip to navigation

[MHX 2015] Nhật ký Thiềng Liềng

Thiềng Liềng – câu chuyện được viết tiếp!
Nhận được sự quan tâm, hỗ trợ, đánh giá cao của Hội Sinh viên trường, chương trình “Tin học hóa ấp đảo Thiềng Liềng” đã trở thành một mặt trận của chiến dịch tình nguyện Mùa hè xanh Đại học Công nghệ Thông tin năm 2014. Tiếp nối thành công của đội hình thường trực Cần Giờ từ CDTN MHX 2014, năm nay đội hình gồm 8 chiến sĩ sẽ đảm nhận nhiệm vụ mang tin học đến với miền ấp đảo. Một lần nữa ánh sáng tri thức sẽ đến với ấp đảo Thiềng Liềng, xã Thạnh An, huyện Cần Giờ bằng việc tổ chức các lớp chứng chỉ tin học A, lớp học văn hóa cho học sinh, người dân tại ấp. Trải qua hai ngày làm quen với mặt trận, không chỉ riêng tôi mà những người đồng đội rất bỡ ngỡ trước môi trường, văn hóa và con người nơi đây. Cảm giác thú vị xen lẫn với ngỡ ngàng, đủ để nhận ra dù còn nhiều thiệt thòi so với đất liền nhưng con người Thiềng Liềng đã làm nên nhiều điều tuyệt vời. Năm nay, chúng tôi - Đội hình thường trực “Thiềng Liềng – Cần Giờ” vẫn là đội xuất quân đầu tiên. Kết thúc buổi Lễ ra quân tại sảnh nhà C – trường Đại học Công nghệ Thông tin vào lúc 8h00 ngày 13/07/2015, trong khi không khí của một chiến dịch tình nguyện lớn nhất vẫn còn đang sôi nổi, hào hứng thì 8 chiến sĩ chúng tôi đã phải sẵn sàng cả về tinh thần lẫn hành trang cho một chuyến hành trình đặc biệt: thực hiện sứ mệnh cao cả: mang tri thức đến với miền ấp đảo xa xôi với tất cả niềm tin, tự hào, niềm hy vọng căng tràn. Ban chỉ huy chiến dịch và toàn thể chiến sĩ cùng chào tạm biệt, chúng tôi lên xe, trải qua 6 tiếng dài với bao niềm hy vọng... “Nhập môn”- Vác hành trang lên và đi! Chúng tôi đến với Thiềng Liềng bằng tất cả niềm hăng say, sự khát khao làm nên những điều có ích trong chuyến đi lần này. Từ trước chiến dịch, các chiến sĩ đã được các anh chị trong BCH tập huấn kỹ lưỡng về những gì sẽ phải trải qua: nào là quãng đường di chuyển rất xa và khó khăn, thời tiết vô cùng khắc nghiệt, điện chỉ có từ 9 giờ sáng đến 8 giờ tối, nguồn nước ngọt bị hạn chế, địa hình vô cùng hiểm trở… Đến khi được trải nghiệm thật sự, chúng tôi mới thấy thấm thía rằng có nhiều điều hiển nhiên ở Sài Gòn nhưng trở nên rất quý giá đối với nơi đây. Chuyến đi đến ấp đảo đối với chúng tôi đã là một cuộc trải nghiệm đầu tiên. Hội Sinh viên bố trí xe hỗ trợ di chuyển cùng rất nhiều đồ đạc, nhu yếu phẩm, hành lý đến bến phà Bình Khánh, huyện Nhà Bè, TP.HCM. Sau chuyến phà chúng tôi đón xe buýt tuyến 90 để di chuyển đến bến tàu Cần Thạnh, huyện Cần Giờ, TP.HCM. Đón chuyến tàu vào lúc 13h00, sau hơn 30 phút là đến với xã Thạnh An, huyện Cần Giờ.  
Một cơn mưa bất chợt rơi, một cơn mưa nặng hạt và kéo dài, chúng tôi phải dừng chân tại nhà người dân dùng bữa cơm trưa, thăm hỏi, làm quen. Tiếng đàn, tiếng hát “Bao yêu thương ơi mùa hè xanh vấn vương, đi muôn phương lưu luyến tình quê hương” vang lên khiến không khí lạnh lẽo của một buổi chiều mưa ấm hơn bao giờ hết, hơi nóng từ trái tim, tinh thần gắn bó tập thể, từ bầu nhiệt huyết cống hiến và từ sự tin yêu của người dân xã Thạnh An. Tạm biệt người dân nơi đây khi cơn mưa gần tạnh, chúng tôi đón tiếp chuyến tàu 16h30 di chuyển sang ấp đảo Thiềng Liềng. Tàu cập bến trong tình trạng khó khăn, vì nước cạn nên tàu không thể vào gần bờ để chúng tôi lên bến. Tuy vậy, khi vừa thấy chúng tôi – chiến sĩ MHX thì người dân trên ấp chạy xuống giúp đỡ, các chú cập một chiếc tàu khác đang đậu gần sát bờ cho chúng tôi di chuyển sang, rồi cùng các chú bắt một tấm ván, cột dây làm cầu để lên bến.  
Đưa người già và trẻ em lên trước, chuyển đồ đạc lên bến rồi cùng nhau di chuyển đến điểm tập kết – Nhà văn hóa thể thao ấp Thiềng Liềng. Hầu hết những người dân ở đây đều làm nghề đi tàu, đi biển. Vì thế, những người còn lại ở nhà chủ yếu là trẻ em, người già, phụ nữ. “Sinh viên trên Sài Gòn xuống nữa kìa!”, “Toàn con trai không ha, Năm nay tụi con ở lâu không?”. “Dạ, con chào cô, chào chú! Tụi con là sinh viên ở Sài Gòn. Tụi con về đây làm tình nguyện, tổ chức lớp học tin học, lớp ôn tập hè cho các em, và tham gia các hoạt động tại địa phương mình… Cô chú vận động các em và mọi người trong gia đình tham gia với tụi con cho vui nha cô. Đây là lần đầu tiên tụi con tới đây, còn nhiều thứ chưa biết, mong mọi người giúp đỡ tụi con nha!” “Ừ, vui quá! Có gì cô sẽ nói với tụi nhỏ. Ở đây có mấy người đâu, nói cái là xong hết, tụi con khỏi lo. Tụi con ăn uống gì chưa, năm nay ở chỗ nào?”. “Dạ! Tụi con mới xuống tàu, năm nay tụi con ở nhà văn hóa đó cô, khi nào rảnh cô qua chơi với tụi con nha!” Rồi mọi người chào nhau trong cái cuối chào, bắt tay, nụ cười mới quen.  
Đón đội chúng tôi là chú Nguyễn Văn Yến – Bí thư chi bộ ấp Thiềng Liềng, xã Thạnh An, người dân thường gọi thân là chú Sáu, chú hướng dẫn chúng tôi cách sử dụng điện nước, dặn dò lối sinh hoạt, chỉ dẫn tận tình chỗ ăn, chỗ ở. Rồi tất cả vội vội vàng vàng bắt tay ngay vào công việc dọn dẹp vệ sinh, kiểm tra phòng máy tính - nơi giảng dạy tin học cho người dân, hứng nước để dự trữ, chuẩn bị bữa cơm chiều muộn ở nhà bếp trạm biên phòng Thiềng Liềng. Lại một cơn lớn rơi xuống, sấm chớp rồi giông gió khá mạnh. “Học làm quen” – Tiếp cận môi trường sinh hoạt, công việc mới! Đời sống người dân lúc có điện và cúp điện là hai khoảng thời gian rất khác nhau. Ban ngày, thời tiết nắng nóng, mọi người bắt tay nhau đi làm, mỗi nhà đều im thin thít, không một âm thanh sôi động nào ngoài tiếng côn trùng, tiếng sóng biển, loáng thoáng vài ba tiếng nói của người dân. Điện sinh hoạt ở đây là từ nguồn pin năng lượng mặt trời được Nhà nước và công ty điện lực tài trợ. Mỗi hộ dân được cấp một tấm pin mặt trời đặt trên một trụ cao để tích trữ năng lượng và sử dụng, nhà nào dùng tiết kiệm có thể dùng đến 7 – 8 tiếng/ ngày. Nguồn nước sạch trở nên hiếm hoi vì ấp đảo cách xa đất liền nên tranh thủ giờ bơm nước của địa phương, người dân phải hứng đủ để sử dụng cả ngày. Đến tầm 6 – 7 giờ tối, khi một số ngư dân đã trở về, không khí có chút xôn xao. Chiếc tivi, quạt máy ban ngày không làm việc đã được bật. Âm nhạc ở những nhà có điều kiện, tiếng người dẫn chương trình thời sự, những bộ phim Việt Nam vang lên; mọi người quây quần bên mâm cơm chia sẻ một ngày mình đã trải qua. Cũng trong lúc đó, các thiết bị dự trữ điện hoạt động hết công suất. Đến 10 giờ, điện tắt, máy móc cũng tắt, mọi thứ lại trở nên tĩnh mịch, đơn giản. Còn đối với chúng tôi – những người đã quen với hoàn cảnh điện nước đầy đủ ở thành phố không khỏi ngỡ ngàng, tập làm quen với thời tiết và cách sử dụng điện của người dân địa phương. Ban ngày điện chủ yếu dùng cho việc dạy học, không bật quạt, mở đèn thoải mái như lúc còn ở KTX, thay vào đó là tìm chỗ có ánh sáng, có gió để làm việc, sử dụng tiết kiệm pin điện thoại, máy tính chủ yếu để giữ liên lạc với BCH, gia đình. Đêm đến, sau một ngày vất vả nhưng đầy niềm vui, đứa nào đứa nấy tranh thủ đi sạc các thiết bị để sử dụng cho ngày mai; tranh thủ hứng ít gió từ quạt máy; chỉ khi có những cuộc họp đội, hay sinh hoạt tập thể thì đèn mới được sử dụng. Ngày đầu, chính tôi còn chưa quen, lúc nào cũng ôm chầm chầm điện thoại để check mail, lên Facebook tìm không khí Sài Gòn rồi điện thoại tắt ngúm lúc nào không hay. Tại điểm sinh hoạt có 2 thùng to để dự trữ nước sử dụng, nhưng do để đã lâu nên đóng rong, bụi bẩn phải chúng tôi phải cử người vệ sinh mới dùng được.  
Một cuộc họp đội được diễn ra ngay buổi tối đầu tiên chúng tôi đến Thiềng Liềng, có mặt của tất cả thành viên trong đội hình cùng với chỉ huy phó thường trực anh Lương Văn Song đã giải đáp tất cả thắc mắc và khó khăn mà các chiến sĩ gặp phải, nhắc nhở chiến sĩ về tác phong, văn hóa ứng xử cho phù hợp với địa phương, rồi mọi người cùng thẳng thắn đóng góp ý kiến cá nhân cho nhiệm vụ chung. Ý thức trách nhiệm về hành động, lao động tập thể đã nhắc nhở chúng tôi phải hợp tác để hoàn thành sứ mệnh được giao phó, được tin cậy. Kết thúc buổi họp, đội trưởng Trần Công Thức đã thống nhất ý kiến cả đội và đề ra phương hướng hoạt động chung cho chúng tôi. “Con đường phía trước nè, có một đường duy nhất thôi đó, tụi con đi hết một vòng hết ấp cũng trở về chỗ này thôi, khỏi sợ lạc” – chú Sáu chỉ đường cho chúng tôi.  
Đối với “chân ướt chân ráo” như chúng tôi phải mất 30 phút, mồ hôi nhễ nhại mới chinh phục hết tuyến đường duy nhất đó. Các ngôi nhà cách xa nhau, không tập trung, có đoạn đường đông đúc có đoạn lại vắng tanh toàn cây cối đặc trưng như dừa nước, cây bần, cây đước, cây dương… và nước mênh mông. Không chỉ thế, để chuẩn bị bữa cơm cho các chiến sĩ chúng tôi phải đi chợ ở một nơi khá xa, phải bắt tàu sang. Vừa đi, vừa được chiêm ngưỡng không gian tuyệt vời – trời và biển hòa làm một, các bãi cồn to lớn, nước biển trong vắt thấp thoáng bóng ngư dân đánh bắt trên bãi cạn mà nhìn từ xa cứ ngỡ họ đang đi trên mặt nước.  
Cảnh thiên nhiên hùng vĩ và đẹp đến ngỡ ngàng. Con người chất phát, cởi mở vô cùng thân thiện và tốt bụng. Vài ba đứa trẻ rụt rè, vài đứa thì quậy tưng bừng khói lửa. 8 giờ sáng ngày 14/7/2015, Lễ khai giảng lớp tin học do các chiến sĩ MHX UIT 2015 thuộc đội hình Thiềng Liềng giảng dạy chính thức bắt đầu. Được sự quan tâm của chính quyền địa phương, Ủy ban nhân dân xã Thạnh An, trạm biên phòng, chi bộ ấp Thiềng Liềng, đều cử đại biểu đến tham dự, thăm hỏi, hỗ trợ thông báo lên trạm phát thanh để thông tin lớp học được đến với toàn thể người dân tại ấp. Ngay buổi đầu tiên chúng tôi đã tiếp nhận đăng ký hơn 25 em nhỏ với các độ tuổi từ 7 – 15, những gương mặt non nớt, còn ham chơi hào hứng khi biết mình chuẩn bị học tin học, được “chơi” trên máy tính.  
Do số lượng máy tính từ những chiến dịch của các năm trước trao tặng vẫn chưa đáp ứng đủ số lượng nên chúng tôi phải mang máy tính cá nhân của mình sang để các em thực hành. Các lớp học văn hóa cũng được tổ chức để hỗ trợ các em nhỏ trong các môn học còn yếu, qua khảo sát: các em yếu môn Toán, Anh văn và Tiếng Việt. Buổi đầu các em đến lớp không đông, đội hình cử 3 chiến sĩ cùng anh Song đi đến từng hộ dân để vận động các em thì nhận ra rằng: Hầu như vào buổi sáng người lớn trong nhà đều đi làm và dặn dò các em ở lại trông nhà, dọn dẹp. Nên dù biết chúng tôi có tổ chức lớp học, nhiều em rất muốn đến nhưng không được phép tham gia.  
Vì thế, các chiến sĩ có phương án đến các điểm để dạy kèm các em vào buổi chiều tối. Đội hình thường trực Thiềng Liềng đã bắt đầu chiến dịch tình nguyện MHX UIT như thế. Nhưng với mục đích mang tin học, kiến thức văn hóa sâu hơn vào đời sống ấp đảo, chương trình “Phổ cập tin học Thiềng Liềng” vẫn còn tiếp tục. Một ngày gần nhất, lứa học trò đầu tiên của chúng tôi sẽ vượt qua kỳ thi Chứng chỉ A Tin học Quốc gia, đó là thành quả phấn đấu không ngừng của các em và cũng là chính chúng tôi - các chiến sỹ tình nguyện MHX UIT 2015.  
“Vì cuộc đời là những chuyến đi”, hãy đi để nhận ra nhiều giá trị của cuộc sống. Tân Nguyên Chiến sĩ Mùa hè xanh 2015 trường ĐH CNTT – ĐHQG-HCM tại mặt trận Thiềng Liềng.