Skip to content Skip to navigation

Giải thưởng Hồ Hảo Hớn năm 2014: Tri thức mới đến những vùng xa

 
Trải qua 5 năm ra đời và trưởng thành cùng chiến dịch tình nguyện Mùa hè xanh, chương trình “Máy tính cũ – Tri thức mới” đã trở thành một nét đặc trưng riêng của các bạn sinh viên trường ĐH Công nghệ Thông tin (ĐHQG TP.HCM). Nét đặc trưng ấy cũng chính là một trong sáu mô hình, chương trình được trao tặng giải thưởng Hồ Hảo Hớn năm 2014 của Thành Đoàn TP.HCM.
 
Ý tưởng từ Mùa hè xanh
 
Anh Lê Đức Thịnh (Phó Bí thư Đoàn trường ĐH Công nghệ Thông tin) kể lại, ngay từ những năm đầu tiên thực hiện chiến dịch Mùa hè xanh, quan điểm của Đoàn trường là làm sao mang kiến thức chuyên môn của sinh viên để giúp cho xã hội. Vì thế, BCH chiến dịch quyết định thực hiện chương trình phổ cập tin học cho thanh niên, người dân ở các xã vùng sâu vùng xa. Tuy nhiên, tại nơi các bạn đóng quân, đời sống của người dân còn nhiều khó khăn, máy tính không có, nói gì đến phổ cập tin học. Lực lượng phổ cập tin học hùng hậu nhưng lại thiếu công cụ hỗ trợ quan trọng. Vì thế, trường mới nghĩ ra ý tưởng quyên góp máy tính cũ để bà con có máy tính, từ đó, mới có thể vừa học vừa thực hành.
 
Sinh viên Đại học Công nghệ Thông tin đang hăng say sửa chữa, lắp đặt máy tính.
 
Chiến dịch tình nguyện Mùa hè xanh 2008 chính là lần đầu tiên BCH quyết định thực hiện chương trình “Máy tính cũ – Tri thức mới”. Để có được một phòng máy gồm những máy tính sử dụng được, các bạn sinh viên phải mất khoảng 1 tháng với những bước đi cụ thể. Đầu tiên, các bạn thực hiện việc tuyên truyền, vận động mọi người đóng góp trên các website, diễn đàn về công nghệ thông tin,... Sau đó, các bạn sẽ liên hệ với những cá nhân, tổ chức muốn đóng góp cho chương trình để lấy máy cũ và linh kiện mang về sửa chữa, lắp ráp. Mỗi mùa hè tình nguyện tới, các bạn sẽ lấy máy tính đã làm hoàn chỉnh, tặng lại cho người dân tại những mặt trận mình đóng quân, vùng sâu vùng xa, còn thiếu thốn nhiều về cơ sở vật chất, thiết bị phục vụ cho nhu cầu phổ cập tin học.
 
Điều đáng nhớ
 
Với tinh thần nhiệt huyết, không ngại khó, trong 5 năm qua, các bạn sinh viên ĐH Công nghệ Thông tin (ĐHQG TP.HCM) đã sửa chữa, lắp ráp hơn 150 máy tính cho hơn 8 mặt trận hoạt động trong chiến dịch Mùa hè xanh. Anh Thịnh chia sẻ: “Khó khăn nhất là việc tập hợp đủ các linh kiện để lắp ráp. Vì các cá nhân, tổ chức đóng góp không phải lúc nào cũng có một bộ máy hoàn chỉnh mà đa phần là những linh kiện rời. Vì vậy, để có một máy hoàn chỉnh, các bạn phải đợi cho đến khi có đủ những thứ cần thiết mới tiến hành làm được. Còn với những máy tính đã quá cũ, dù có sửa cũng không thể dùng được, các bạn đem bán, lấy phần tiền thu được để mua các linh kiện cần thiết cho công tác sửa chữa, lắp đặt máy tính. Ngoài ra, một vấn đề nữa là việc nhận máy. Không phải đơn vị, cá nhân nào muốn quyên góp máy cũng ở gần. Có những bạn ở rất xa khiến việc thu gom, vận chuyển thật không hề dễ dàng”.
 
Anh Trần Anh Tuấn (Chánh Văn phòng Đoàn trường Đại học Công nghệ Thông tin) nhớ lại: “Có rất nhiều kỷ niệm đáng nhớ trong suốt quá trình thực hiện chương trình này. Một bạn ở tận miền Trung đã liên lạc với đội hình để đóng góp thiết bị máy tính. Anh còn chủ động thanh toán luôn phí vận chuyển máy. Mọi người đều rất biết ơn và quý trọng tấm lòng ấy. Lần khác, đội hình đưa máy về với đảo Thiềng Liềng (Thạnh An, Cần Giờ), nơi xa nhất của thành phố, di chuyển rất khó khăn. Nếu không nhờ sự giúp đỡ của các chiến sĩ dân phòng ở đó, chắc những chiếc máy tính này khó có thể đến nơi an toàn. Khi lắp ráp, chúng tôi cũng gặp thêm một trở ngại nữa là ấp đảo này gặp khó khăn về điện. Thành ra, mọi người phải nghĩ cách để lắp ráp màn hình sao tiết kiệm điện hơn”.
 
Những khó khăn đó không hề làm các chiến sĩ tình nguyện nản lòng. Nó trở thành động lực để mô hình phát triển mạnh mẽ và nhận được nhiều hơn sự quan tâm của xã hội.
 
Trái ngọt
 
Khi phần cài đặt thực hiện xong, các bạn sinh viên sẽ thực hiện việc giảng dạy tin học căn bản, tin học văn phòng A, B cho người dân, thanh niên địa phương. Với điều kiện dòng điện được ổn định, bảo quản tốt, máy tính có thể sử dụng được thêm 2 – 3 năm nữa. Các bạn sinh viên cũng là “nhân viên bảo trì” cho máy tính hoạt động để phục vụ nhu cầu trong 2 – 3 năm tiếp đó. Mô hình “Máy tính cũ – Tri thức mới” đã giúp sinh viên trưởng thành hơn, rèn luyện được thêm kiến thức đã học ở nhà trường và góp phần mình cho xã hội.
 
Được biết, mục tiêu phát triển quy mô chương trình này của Đoàn trường trong những năm sắp tới không chỉ dừng lại ở cấp Trường, cấp Thành, mà còn nhân rộng ra khắp cả nước. Những chiếc máy tính mang thông điệp “máy tính cũ -  tri thức mới” cũng sẽ được hoàn thành và đến nơi cần đến trong suốt năm học mà không dừng lại ở Mùa hè xanh.
 
Với sự hữu ích và thiết thực mà mô hình “Máy tính cũ – Tri thức mới” mang lại, Đoàn trường Đại học Công nghệ Thông tin đã vinh dự nhận được giải thưởng Hồ Hảo Hớn năm 2014 của Thành Đoàn TP.HCM – giải thưởng cao quý của Thành Đoàn thành phố dành cho những mô hình, chương trình đóng góp hiệu quả cho công tác Đoàn và phong trào thanh thiếu nhi. Mong rằng, mô hình “Máy tính cũ – Tri thức mới” sẽ phát triển mạnh mẽ và giúp được nhiều địa phương hơn nữa trong tương lai.

THU THỦY – HOÀI THƯƠNG

Nguồn bài viết: http://www.thanhdoan.hochiminhcity.gov.vn/webtd/vn/default.aspx?cat_id=0&news_id=19597