T6, 24/02/2017 - 17:02
Nhóm tác giả Nguyễn Phúc Thịnh, Đỗ Quang Huỳnh, khoa Kỹ thuật máy tính (Trường Đại học Công nghệ Thông tin - ĐHQG TP.HCM) đã thành công trong việc chế tạo ra một thùng rác thông minh sử dụng năng lượng mặt trời.
Mục tiêu của giải pháp là hướng tới xây dựng thành phố thông minh, từ việc quản lí và thu gom rác bằng các thùng rác thông minh.
Đại diện nhóm tác giả, bạn Phúc Thịnh cho biết, các thùng rác thông minh được thiết kế sử dụng nguồn điện 12V từ pin năng lượng mặt trời để vận hành hệ thống. Có cơ chế nén khi rác đầy quá 80% được nhận biết bằng một cảm biến khoảng cách. Thùng rác thông minh có thể gửi tín hiệu thông qua sóng wifi hoặc tin nhắn SMS đến bộ phận quản lí khi rác đầy và không thể nén được nữa. Người quản lí (giám sát) sử dụng ứng dụng Android hoặc một website để xem trạng thái đầy của các thùng trên Google Map. Từ các thùng rác đầy chúng sẽ được kết nối với nhau trên Google Map tạo nên một lịch trình, xe thu gom rác sẽ dựa vào lịch trình để thu gom.
Trong giải pháp thực nghiệm, nhóm sử dụng web server để lưu cơ sở dữ liệu thùng rác vào, kết nối sóng wifi hoặc SMS để tín hiệu báo đầy từ thùng rác. Thùng rác thông minh là một hệ thống độc lập và được vận hành tự động theo yêu cầu người lập trình. Lịch trình thu gom rác của xe rác được xây dụng một cách thông minh, giúp tìm đường đi ngắn nhất giữa các vị trí đặt thùng rác trên Google Map, làm cho các xe rác di chuyển một cách linh hoạt, tránh việc dừng lâu gây bốc mùi hôi, thải khí C02 và gây tốn kém nhiên liệu.
Đánh giá về tính hiệu quả kinh tế - xã hội của đề tài, nhóm cho biết giải pháp đã giúp hạn chế tối đa việc xe rác bốc mùi hôi thối trên đường nhờ một lịch trình thu gom nhanh và thông minh; tình trạng rác đầy tràn ra ngoài tại rác thùng rác công cộng không còn nhờ việc thu gom rác nhanh chóng kịp thời của các xe rác. Các thùng rác tích hợp cơ chế nén giúp tăng dung tích và khả năng chứa rác trong nhiều ngày; hệ thống hoạt động tốt giúp ích cho cuộc sống con người hơn, xây dựng bầu không khí trong lành, giảm tình trạng ùn tắc giao thông và ô nhiễm không khí, tiết kiệm được công sức, tiền bạc. Hiện tại nhóm hoàn thành sản phẩm sử dụng module sim để gửi tín hiệu SMS về máy chủ. Theo đó, module sim thích hợp cho việc truyền nhận tín hiệu ở những nơi không có hỗ trợ sóng wifi.
Về giải pháp phát triển trong tương lai gần, được biết hiện nhóm có xây dựng một mô hình demo và đang chạy thử tại Trường đại học công nghệ thông tin. Trong tương lai, việc đặt các thùng rác ở nhiều nơi trong thành phố, dựa vào sự tăng nhanh của lượng rác thải giúp ta có thể quan trắc được mật độ dân cư tại các khu vực. Các thùng rác có thể tích hợp các cảm biến: nhiệt độ, độ ẩm, khói, để quan trắc môi trường hoặc là một công cụ để cảnh báo cháy một số khu vực. Cuối cùng các thùng rác này có thể lắp đặt hoặc tích hợp hệ thống đèn led và liên kết với các công ty muốn quảng bá thương hiệu đến mọi người trong thành phố.
Đề tài đã đạt giải Ba giải thưởng Sinh viên nghiên cứu khoa học Euréka - lần thứ XVIII năm 2016 do Thành Đoàn TP.HCM tổ chức.
Nguồn: Báo Khoa học Phổ thông
http://khoahoctre.com.vn/san-pham---guong-mat/hoi-thi---giai-thuong/giai...