Skip to content Skip to navigation

7 chỉ đạo của Thủ tướng về CNTT và tình hình thực hiện

Để CNTT trở thành nền tảng của phương thức phát triển mới, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã đề ra các nhiệm vụ cho các bộ, ngành, địa phương và cộng đồng doanh nghiệp, chuyên gia, nhà nghiên cứu cùng triển khai. Tháng 6/2013, Diễn đàn cấp cao Công nghệ thông tin - Truyền thông Việt Nam (Vietnam ICT Summit 2013) đã diễn ra tại Hà Nội với chủ đề "Công nghệ thông tin - nền tảng phương thức phát triển mới, nâng cao toàn diện năng lực cạnh tranh quốc gia". Tại sự kiện này, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định Chính phủ chủ trương xác định CNTT là một trong những động lực quan trọng nhất của sự phát triển, góp phần làm biến đổi đời sống kinh tế xã hội. Đồng thời, Thủ tướng đề ra 7 nhiệm vụ, giải pháp cụ thể nhằm đưa CNTT trở thành nền tảng của phương thức phát triển mới, coi đây là con đường ngắn nhất để Việt Nam tiến kịp các nước phát triển, tiến kịp thời đại. Sau một năm, nhiều trong số các chỉ đạo của Thủ tướng đã dần được hiện thực hoá bằng các nghị quyết, văn bản mang tính đột phá. Thứ nhất, Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương, cộng đồng doanh nghiệp, chuyên gia, nhà nghiên cứu phát triển và ứng dụng CNTT trong sản xuất, kinh doanh và quản lý, hướng tới mục tiêu nâng cao toàn diện năng lực cạnh tranh quốc gia. Quan điểm này được thể hiện rõ nét qua Nghị quyết 36/NQ-TW về đẩy mạnh ứng dụng, phát triển CNTT đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững, hội nhập quốc tế mới được Bộ Chính trị ban hành ngày 1/7/2014, thay thế cho Chỉ thị số 58 được Bộ Chính trị ban hành năm 2000. Nghị quyết 36 nhấn mạnh CNTT là công cụ hữu hiệu tạo lập phương thức phát triển mới và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới. Sự ra đời của Nghị quyết mang đến "thời cơ vàng" cho ngành CNTT nói riêng và toàn bộ nền kinh tế Việt Nam nói chung phát triển bền vững. Thứ hai là tạo môi trường thuận lợi cho phát triển thị trường CNTT, hỗ trợ doanh nghiệp phát triển, tạo chỗ đứng vững chắc trên thị trường trong nước và xây dựng năng lực canh tranh vươn ra thị trường nước ngoài. Cũng trong tháng 7/2014, Văn phòng Chính phủ đã có văn bản số 249 thông báo kết luận của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tại phiên họp toàn thể lần thứ nhất của Ủy ban Quốc gia về ứng dụng CNTT. Theo đó, Chính phủ có chủ trương phát triển CNTT từ rất sớm và tập trung vào 4 vấn đề là nguồn nhân lực, hạ tầng kỹ thuật, CNTT và ứng dụng CNTT. Đặc biệt, việc chính thức "bật đèn xanh" cho chủ trương thuê ngoài dịch vụ ứng dụng CNTT trong khối cơ quan Nhà nước đã mang đến cơ hội lớn cho các doanh nghiệp CNTT nội, đồng thời giúp giảm chi phí đầu tư hạ tầng từ ngân sách nhà nước và nâng cao hiệu quả ứng dụng. Một nhiệm vụ quan trọng khác là tăng cường hợp tác quốc tế, huy động nguồn lực, đặc biệt là nguồn lực của người Việt ở nước ngoài để phát triển CNTT. Hiện Tập đoàn Viễn thông Quân đội (Viettel) và Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) đang chờ được cấp giấy phép để mở mạng di động tại Myanmar. Tổng thống Myanmar Thein Sein cũng đã tiếp Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Bắc Son ngày 22/9 tại thủ đô Nay Pyi Taw. Trong khi đó, Hiệp hội Phần mềm và dịch vụ CNTT Việt Nam (VINASA) đã phối hợp cùng Tổ chức tiên phong CNTT thành phố Sapporo, Nhật Bản (Sapporo IT Front - SITF) thực hiện dự án "Tăng cường môi trường giáo dục để phát triển nguồn nhân lực có tiềm lực cạnh tranh cho ngành CNTT tại Hà Nội". Dự án do Tổ chức Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) tài trợ và sẽ kéo dài trong ba năm 2014-2016. Cũng trong bài phát triển năm 2013, Thủ tướng nhấn mạnh người đứng đầu tất cả các cấp, các ngành, các cơ quan, đơn vị phải trực tiếp chỉ đạo và chịu trách nhiệm về triển khai ứng dụng hiệu quả CNTT. Điều này thể hiện rõ nét nhất qua việc Uỷ ban Quốc gia về ứng dụng CNTT được thành lập tháng 1/2014 và do Thủ tướng Chính phủ trực tiếp làm Chủ tịch Uỷ ban. Trong Hội nghị triển khai Nghị quyết 36 do Bộ TT&TT phối hợp cùng Ban tuyên giáo tổ chức đầu tháng 10/2014, các đại biểu cũng đã đề xuất người đứng đầu các cơ quan ban ngành Trung ương, địa phương phải chịu trách nhiệm về vấn đề ứng dụng và phát triển CNTT tại cơ quan do mình quản lý. Các quan điểm của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng sẽ tiếp tục được quán triệt sâu và rộng hơn nữa tại Diễn đàn cấp cao CNTT Vietnam ASOCIO ICT Summit 2014 do Hiệp hội Phần mềm và dịch vụ CNTT Việt Nam chủ trì tổ chức tại Hà Nội và Đà Nẵng. Sự kiện năm nay có chủ đề "CNTT - phương thức phát triển mới kinh tế, xã hội và tái cấu trúc nông nghiệp", dự kiến thu hút sự tham gia của hơn 700 đại biểu, trong đó có gần 200 đại biểu quốc tế là lãnh đạo các hiệp hội, tập đoàn CNTT hàng đầu của hơn 20 nền kinh tế thuộc châu Á, châu Đại Dương và một số quốc gia khác.

Châu An

Theo VnExpress.net