Skip to content Skip to navigation

Kỷ niệm 125 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh: Người là niềm tin tất thắng

Lễ kỷ niệm 125 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19.5.1890 - 19.5.2015) tại Hà Nội.

“Trong những ngày tháng này, đồng bào, đồng chí, chiến sĩ cả nước và bà con ta ở nước ngoài đang hướng về Bác với tất cả lòng thành kính và xiết bao thương nhớ Bác, càng thấm thía và biết ơn công lao trời biển của Bác. Cuộc đời và sự nghiệp của Người là một bản anh hùng ca...” - Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng mở đầu bài phát biểu tại lễ kỷ niệm 125 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh được tổ chức trọng thể sáng qua (18.5) tại Hà Nội.

Công lao của Người như non cao, biển rộng

Xúc động ôn lại cuộc đời và sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định: Cuộc đời và sự nghiệp của Người là một bản anh hùng ca, một tấm gương sáng ngời về chủ nghĩa yêu nước, về phẩm chất cộng sản, về trí tuệ uyên bác, đạo đức cách mạng trong sáng, sự cổ vũ lớn lao đối với các thế hệ người Việt Nam.

Ra đi tìm đường cứu nước khi 21 tuổi, với khát vọng cháy bỏng giành độc lập tự do cho dân, cho nước, Người bôn ba khắp năm châu bốn biển, vừa lao động, học tập, vừa quan sát, nghiên cứu lý luận và kinh nghiệm các cuộc cách mạng điển hình trên thế giới. Theo Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: Chính cuộc hành trình này đã giúp Người hiểu rõ cội nguồn những khổ đau của nhân dân lao động là ở sự áp bức, bóc lột của chủ nghĩa tư bản đế quốc và hình thành nên ý thức giai cấp rõ rệt. Vì thế, Người đã đến với chủ nghĩa Mác - Lênin một cách tự nhiên, như một tất yếu lịch sử và đã tìm thấy ở đó những vấn đề cơ bản của đường lối giải phóng dân tộc gắn liền với giải phóng giai cấp, giải phóng con người; độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội.

Dưới sự lãnh đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng Cộng sản Việt Nam, cách mạng nước ta đã vượt qua muôn vàn khó khăn, thử thách, đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác. Đó là thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám và việc thành lập Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, Nhà nước do dân làm chủ đầu tiên trong lịch sử dân tộc. Đó là thắng lợi của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp mà đỉnh cao là chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”, giải phóng hoàn toàn miền Bắc, xây dựng hậu phương lớn cho công cuộc đấu tranh thống nhất nước nhà...

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đọc diễn văn tại lễ kỷ niệm.

“Công lao của Chủ tịch Hồ Chí Minh với dân tộc ta như non cao, biển rộng. Người đã gắn bó và hiến dâng trọn đời mình cho sự nghiệp cách mạng của Đảng ta và dân tộc ta, hết lòng, hết sức phụng sự tổ quốc, phục vụ nhân dân cho đến hơi thở cuối cùng. Người đã để lại cho chúng ta và các thế hệ mai sau một gia tài đồ sộ, một di sản hết sức quý báu. Đó là: Tư tưởng Hồ Chí Minh; Thời đại Hồ Chí Minh; và Tấm gương đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” - Tổng Bí thư nhấn mạnh.

Một tấm lòng nhân hậu, chan chứa yêu thương

Tổng Bí thư khẳng định: Cuộc đời của Người là biểu tượng cao đẹp về chí khí cách mạng kiên cường, tinh thần độc lập tự chủ, lòng yêu nước, yêu nhân dân tha thiết, đạo đức cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư, tác phong khiêm tốn, giản dị. Người để lại cho chúng ta một tấm lòng nhân hậu, một tình cảm chan chứa yêu thương, vì nước, vì dân, vì Đảng; một trí tuệ anh minh, mẫn tiệp; một tầm nhìn xa rộng, sâu sắc; một mẫu mực tuyệt vời về cách sống, cách nghĩ, cách viết, cách nói, cách làm việc.

Chủ tịch Hồ Chí Minh là nhà hoạt động cách mạng thực tiễn vĩ đại, nhà tổ chức kiệt xuất, đồng thời là nhà lý luận, nhà chiến lược thiên tài của cách mạng Việt Nam. Nét đặc sắc ở Chủ tịch Hồ Chí Minh là lý luận nhưng không giáo điều, sách vở, trái lại, luôn gắn bó chặt chẽ, nhuần nhuyễn với thực tiễn; lý luận mà không cao xa, cầu kỳ, trái lại, rất mộc mạc, dễ hiểu, dễ nhớ, dễ làm, thiết thực. Nói cách khác, Chủ tịch Hồ Chí Minh là một nhà lý luận cách mạng giàu thực tiễn và kinh nghiệm đấu tranh, đồng thời là một nhà thực tiễn giàu lý luận khoa học. Ở Người có sự thực tiễn hóa lý luận và lý luận hóa thực tiễn. Người đến với chủ nghĩa Mác - Lênin là để tìm kim chỉ nam cho sự nghiệp cứu nước, giải phóng dân tộc, tức là từ nhu cầu thực tiễn của cách mạng Việt Nam, cốt nắm lấy cái tinh thần, cái bản chất, vận dụng lập trường, quan điểm và phương pháp của chủ nghĩa Mác - Lênin để tự tìm ra những chủ trương, giải pháp, đối sách phù hợp với từng hoàn cảnh cụ thể, từng thời kỳ cụ thể và cả những vấn đề cụ thể của Việt Nam chứ không đi tìm những kết luận có sẵn trong sách vở.

 
Lãnh đạo Đảng, Nhà nước và đông đảo quần chúng nhân dân tham dự lễ kỷ niệm.  Ảnh: HẢI NGUYỄN - TTXVN

Tổng Bí thư chỉ rõ: Kỷ niệm 125 năm Ngày sinh của Người vào thời điểm đất nước ta đã trải qua gần 30 năm đổi mới, trong bầu không khí hào hùng và xúc động của những ngày kỷ niệm lớn của dân tộc, đặc biệt là kỷ niệm 85 năm Ngày thành lập Đảng, 40 năm Ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, 70 năm thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2.9 và chuẩn bị tiến tới Đại hội toàn quốc lần thứ XII của Đảng, toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta quyết tâm đi theo con đường mà Đảng, Bác Hồ kính yêu đã lựa chọn, thực hiện mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, vững bước đi lên chủ nghĩa xã hội.

Kỷ niệm 125 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, Tổng Bí thư yêu cầu tiếp tục đẩy mạnh học tập tư tưởng, đạo đức Hồ Chí Minh, mỗi chúng ta hãy thường xuyên noi gương Bác, tự giác tu dưỡng, rèn luyện, học hỏi, tìm tòi, đổi mới, gắn lý luận với thực tiễn, nói đi đôi với làm, hoàn thành thật tốt nhiệm vụ được giao theo cương vị công tác và chức trách của từng người.

“Mỗi cán bộ, đảng viên hãy cố gắng xứng đáng là công bộc của dân, là học trò, con cháu của Bác Hồ; mỗi người dân Việt Nam xứng đáng là công dân của đất nước Hồ Chí Minh” - Tổng Bí thư đề nghị.

Bài viết gốc : http://laodong.com.vn/chinh-tri/ky-niem-125-nam-ngay-sinh-chu-tich-ho-chi-minh-nguoi-la-niem-tin-tat-thang-327215.bld