T2, 14/07/2014 - 21:36
Chương trình Máy tính cũ – Tri thức mới là một hoạt động tiêu biểu trong các chiến dịch Mùa hè xanh của sinh viên Trường ĐH Công nghệ Thông tin ĐHQG-HCM. Được phát động từ năm 2008, với mục đích khuyến khích, thúc đẩy công tác phổ cập tin học cho người dân và học sinh nghèo vượt khó ở vùng sâu, vùng xa và để phục vụ quá trình học tập nghiên cứu, tiếp cận nguồn tri thức mới; bằng cách quyên góp những linh kiện máy tính cũ, và lắp ráp thành máy tính hoàn chỉnh; tới nay, sau 07 năm tổ chức, chương trình đã lắp ráp, trao tặng được 160 bộ máy tính hoàn chỉnh, cho 06 địa phương. Với thành công đó, từ quy mô cấp trường, chương trình đã được nhân rộng thành Dự án cấp Thành phố. Tháng 3/2014, chương trình đã vinh dự nhận được giải thưởng Hồ Hảo Hớn do Thành Đoàn thành phố Hồ Chí Minh trao tặng.
Hội Sinh viên trường kính mong các nhà hảo tâm, quý cơ quan, doanh nghiệp, quan tâm, hỗ trợ quyên góp những máy tính, linh kiện máy tính cũ đã qua sử dụng hoặc hiện kim để chương trình Máy tính cũ – Tri thức mới tiếp tục hiện thực được vai trò của mình đối với cộng đồng.
Thông tin về địa điểm tiếp nhận:
Ban chỉ huy CDTN Mùa hè xanh UIT 2014:
- Km 20, Xa lộ Hà Nội, Khu phố 6, P.Linh Trung, Q.Thủ Đức, Tp.HCM
- Điện thoại: (08) 3603.0862 – Email: hoisinhvien@uit.edu.vn
- Cán bộ phụ trách:
- Dương Phi Long – Chỉ huy trưởng Mùa hè xanh 2014 - Email: longdp@uit.edu.vn
- Trần Anh Tuấn - Chánh văn phòng Đoàn trường - Email tuanta@uit.edu.vn
Máy tính cũ, hư hỏng, thiếu linh kiện do người dân, doanh nghiệp thải ra được các bạn xin về sàng lọc lấy linh kiện chưa hư, phần không sử dụng được đem bán ve chai, rồi bỏ thêm tiền túi mua thêm thiết bị mới. Có đủ linh kiện, các bạn lắp ráp thành máy tính sử dụng được, chuyển tặng vùng sâu vùng xa. Với mô hình “máy tính cũ - tri thức mới” này, nhiều năm qua, các sinh viên Trường Đại học Công nghệ thông tin (Đại học Quốc gia TPHCM) đã giúp hàng ngàn trẻ em, học sinh nông thôn được phổ cập tin học, nhiều địa phương có điều kiện được “máy tính hóa” trong công tác lưu trữ.
Từ máy tính quá đát…
Căn phòng PM1 Trường Đại học Công nghệ thông tin (Đại học Quốc gia TPHCM) sáng thứ bảy, chủ nhật hàng tuần luôn chật chội bởi hàng trăm máy tính cũ, linh kiện, thiết bị điện tử được các sinh viên xin từ khắp nơi chở về, chất thành đống.
Ở một góc nhỏ của căn phòng, nhóm sinh viên giữ nhiệm vụ “phẫu thuật máy” vẫn miệt mài tháo rã những chiếc CPU, màn hình vi tính cũ bám đầy bụi, mạng nhện, rồi lấy từng linh kiện lau chùi, đem gắn vào máy chạy thử. Gần 2 giờ loay hoay với đống thiết bị điện tử quá đát được tháo ra từ 3 máy tính bàn, nhóm sinh viên chỉ thu được 1 bo mạch chính, 2 ram và 1 bộ quạt tản nhiệt.
“Được thế này là hên lắm rồi, có hôm cả ngày lục đục, tháo đến 4 bộ máy nhưng tụi em vẫn không tận dụng được món nào”, Thành, một thành viên của nhóm chia sẻ. Cứ thế, hàng loạt máy cũ được các “bác sĩ máy tính” trẻ đem ra “phẫu thuật”, chọn lấy những linh kiện còn sử dụng được, chùi rửa, phân loại cho vào tủ trong những ngày được nghỉ học.
Gom được nhiều linh kiện, nhóm bạn trẻ bắt tay vào việc lắp ráp thành những bộ máy tính mới. Khi một số máy không đủ thiết bị, các bạn trẻ linh động chở mớ thiết bị không sử dụng được đến bán cho vựa phế liệu, rồi góp thêm chút tiền túi mua linh kiện còn thiếu để máy chạy ổn định. Hành trình mang máy tính cũ, tạo kiến thức tin học mới cho học sinh nghèo gian nan vậy nhưng các sinh viên Trường Đại học Công nghệ thông tin vẫn không ngại khó và tổ chức thường xuyên.
Nhìn vào 10 bộ máy tính cũ đã được lắp ráp xong, chuẩn bị đem tặng cho một trường học nghèo ở tỉnh Bến Tre trong chiến dịch Mùa hè xanh 2014 tới đây, sinh viên Hoàng Văn Ninh cho biết: “Để có được dàn máy tính bàn ngon lành này, tụi em phải mất gần 6 tháng để hoàn thành”. Theo Ninh, khâu gian nan nhất trong hành trình làm mới máy tính cũ là tìm nguồn máy và vận chuyển máy ở nơi ủng hộ về đến trường. Để có được nguồn máy tính cũ, các sinh viên trong nhóm phải thường xuyên rao tin trên các trang mạng, mở rộng các mối quan hệ để “nhà tài trợ” biết đến và báo.
Có người cho máy, dù gần hay xa, Đồng Nai hay Bà Rịa - Vũng Tàu, các bạn lại chạy xe máy đến nơi chở về. Làm xong, nhóm sinh viên liên hệ với chính quyền, các cơ sở Đoàn vùng sâu vùng xa để chọn những trường học thực sự khó khăn, có nhu cầu và cho xe chở đến. Khởi xướng mô hình “Máy tính cũ - tri thức mới” từ năm 2009, đến nay nhóm sinh viên Trường Đại học Công nghệ thông tin đã tặng hàng trăm máy tính, giúp học sinh, cán bộ ở các huyện nghèo, vùng sâu vùng xa như Cần Giờ, Củ Chi (TPHCM); Châu Phú, Thoại Sơn (tỉnh An Giang); Trường THCS - THPT Ngô Văn Nhạc (tỉnh Tiền Giang) được phổ cập tin học, “máy tính hóa” trong công tác lưu trữ văn thư, tài liệu…
Đến phổ cập tin học
Ở ấp Thiềng Liềng, xã đảo Thạnh An (huyện Cần Giờ), từ ngày được nhóm sinh viên Trường Đại học Công nghệ thông tin tặng 15 máy tính để lập phòng máy và với sự hướng dẫn của thượng úy Bao Minh Tiến (Trạm kiểm soát Biên phòng Thiềng Liềng), đến nay, hơn 40 học sinh tiểu học, THCS, THPT đều được tiếp cận và sử dụng thành thạo máy vi tính. Nhiều em đánh máy rất thành thạo, lên mạng tìm kiếm tài liệu, những phương pháp giải toán hay, phục vụ cho việc học tập.
“Trước đây, dù được học lý thuyết về vi tính nhưng không có máy thực hành nên các em rất mù mờ. Từ ngày có máy vi tính, đến nay các em không chỉ sử dụng thành thạo mà còn thi lấy chứng chỉ A tin học”, thượng úy Bao Minh Tiến vui mừng. Tại Trường THCS - THPT Ngô Văn Nhạc (tỉnh Tiền Giang), 3 năm trước, khi nói đến vi tính, tin học, học sinh ở đây rất mù mờ; nay đã có nhiều học sinh của trường đoạt giải tin học cấp huyện nhờ được học tập trên những chiếc máy tính do sinh viên Trường ĐH Công nghệ thông tin tặng.
[caption id="attachment_6672" align="aligncenter" width="600" caption="Lớp Tin học tại Phòng máy Thanh niên do trường trao tặng năm 2014 tại ấp đảo Thiềng Liềng - Thạnh An - Cần Giờ"][/caption]
Anh Nguyễn Trác Thức, Bí thư Đoàn Trường Đại học Công nghệ thông tin (ĐH Quốc gia TPHCM), cho biết sẽ tiếp tục duy trì mô hình này. Tới đây, Đoàn trường sẽ kiến nghị ban giám hiệu hỗ trợ kinh phí, phương tiện để nhóm sinh viên này có thể mở rộng phạm vi hoạt động, ngày càng đưa nhiều máy tính hơn đến với bà con vùng sâu vùng xa.
“Mô hình “máy tính cũ - tri thức mới” không chỉ thể hiện sự sáng tạo, năng động, linh hoạt của giới trẻ; khơi dậy tình thương yêu, biết chia sẻ của sinh viên trong trường với học sinh khó khăn, vùng sâu vùng xa, mặt khác còn giúp các sinh viên của trường được cọ xát thực tế, nắm kỹ các kiến thức cơ bản về công nghệ máy tính”, anh Nguyễn Trác Thức cho biết. Với những hiệu quả mang lại, mới đây mô hình “máy tính cũ - tri thức mới” của nhóm sinh viên đã được Thành đoàn TPHCM trao giải thưởng Hồ Hảo Hớn và nhân rộng đến các cơ sở Đoàn trên địa bàn TPHCM.
GIẢI THƯỞNG HỒ HẢO HỚN NĂM 2014: TRI THỨC MỚI ĐẾN NHỮNG VÙNG XA
Trải qua 5 năm ra đời và trưởng thành cùng chiến dịch tình nguyện Mùa hè xanh, chương trình “Máy tính cũ – Tri thức mới” đã trở thành một nét đặc trưng riêng của các bạn sinh viên trường ĐH Công nghệ Thông tin (ĐHQG TP.HCM). Nét đặc trưng ấy cũng chính là một trong sáu mô hình, chương trình được trao tặng giải thưởng Hồ Hảo Hớn năm 2014 của Thành Đoàn TP.HCM.
Ý tưởng từ Mùa hè xanh
Anh Lê Đức Thịnh (Phó Bí thư Đoàn trường ĐH Công nghệ Thông tin) kể lại, ngay từ những năm đầu tiên thực hiện chiến dịch Mùa hè xanh, quan điểm của Đoàn trường là làm sao mang kiến thức chuyên môn của sinh viên để giúp cho xã hội. Vì thế, BCH chiến dịch quyết định thực hiện chương trình phổ cập tin học cho thanh niên, người dân ở các xã vùng sâu vùng xa. Tuy nhiên, tại nơi các bạn đóng quân, đời sống của người dân còn nhiều khó khăn, máy tính không có, nói gì đến phổ cập tin học. Lực lượng phổ cập tin học hùng hậu nhưng lại thiếu công cụ hỗ trợ quan trọng. Vì thế, trường mới nghĩ ra ý tưởng quyên góp máy tính cũ để bà con có máy tính, từ đó, mới có thể vừa học vừa thực hành.
Chiến dịch tình nguyện Mùa hè xanh 2008 chính là lần đầu tiên BCH quyết định thực hiện chương trình “Máy tính cũ – Tri thức mới”. Để có được một phòng máy gồm những máy tính sử dụng được, các bạn sinh viên phải mất khoảng 1 tháng với những bước đi cụ thể. Đầu tiên, các bạn thực hiện việc tuyên truyền, vận động mọi người đóng góp trên các website, diễn đàn về công nghệ thông tin,… Sau đó, các bạn sẽ liên hệ với những cá nhân, tổ chức muốn đóng góp cho chương trình để lấy máy cũ và linh kiện mang về sửa chữa, lắp ráp. Mỗi mùa hè tình nguyện tới, các bạn sẽ lấy máy tính đã làm hoàn chỉnh, tặng lại cho người dân tại những mặt trận mình đóng quân, vùng sâu vùng xa, còn thiếu thốn nhiều về cơ sở vật chất, thiết bị phục vụ cho nhu cầu phổ cập tin học.
Điều đáng nhớ
Với tinh thần nhiệt huyết, không ngại khó, trong 5 năm qua, các bạn sinh viên ĐH Công nghệ Thông tin (ĐHQG TP.HCM) đã sửa chữa, lắp ráp hơn 150 máy tính cho hơn 8 mặt trận hoạt động trong chiến dịch Mùa hè xanh. Anh Thịnh chia sẻ: “Khó khăn nhất là việc tập hợp đủ các linh kiện để lắp ráp. Vì các cá nhân, tổ chức đóng góp không phải lúc nào cũng có một bộ máy hoàn chỉnh mà đa phần là những linh kiện rời. Vì vậy, để có một máy hoàn chỉnh, các bạn phải đợi cho đến khi có đủ những thứ cần thiết mới tiến hành làm được. Còn với những máy tính đã quá cũ, dù có sửa cũng không thể dùng được, các bạn đem bán, lấy phần tiền thu được để mua các linh kiện cần thiết cho công tác sửa chữa, lắp đặt máy tính. Ngoài ra, một vấn đề nữa là việc nhận máy. Không phải đơn vị, cá nhân nào muốn quyên góp máy cũng ở gần. Có những bạn ở rất xa khiến việc thu gom, vận chuyển thật không hề dễ dàng”.
Anh Trần Anh Tuấn (Chánh Văn phòng Đoàn trường Đại học Công nghệ Thông tin) nhớ lại: “Có rất nhiều kỷ niệm đáng nhớ trong suốt quá trình thực hiện chương trình này. Một bạn ở tận miền Trung đã liên lạc với đội hình để đóng góp thiết bị máy tính. Anh còn chủ động thanh toán luôn phí vận chuyển máy. Mọi người đều rất biết ơn và quý trọng tấm lòng ấy. Lần khác, đội hình đưa máy về với đảo Thiềng Liềng (Thạnh An, Cần Giờ), nơi xa nhất của thành phố, di chuyển rất khó khăn. Nếu không nhờ sự giúp đỡ của các chiến sĩ dân phòng ở đó, chắc những chiếc máy tính này khó có thể đến nơi an toàn. Khi lắp ráp, chúng tôi cũng gặp thêm một trở ngại nữa là ấp đảo này gặp khó khăn về điện. Thành ra, mọi người phải nghĩ cách để lắp ráp màn hình sao tiết kiệm điện hơn”.
Những khó khăn đó không hề làm các chiến sĩ tình nguyện nản lòng. Nó trở thành động lực để mô hình phát triển mạnh mẽ và nhận được nhiều hơn sự quan tâm của xã hội.
Trái ngọt
Khi phần cài đặt thực hiện xong, các bạn sinh viên sẽ thực hiện việc giảng dạy tin học căn bản, tin học văn phòng A, B cho người dân, thanh niên địa phương. Với điều kiện dòng điện được ổn định, bảo quản tốt, máy tính có thể sử dụng được thêm 2 – 3 năm nữa. Các bạn sinh viên cũng là “nhân viên bảo trì” cho máy tính hoạt động để phục vụ nhu cầu trong 2 – 3 năm tiếp đó. Mô hình “Máy tính cũ – Tri thức mới” đã giúp sinh viên trưởng thành hơn, rèn luyện được thêm kiến thức đã học ở nhà trường và góp phần mình cho xã hội.
Được biết, mục tiêu phát triển quy mô chương trình này của Đoàn trường trong những năm sắp tới không chỉ dừng lại ở cấp Trường, cấp Thành, mà còn nhân rộng ra khắp cả nước. Những chiếc máy tính mang thông điệp “máy tính cũ - tri thức mới” cũng sẽ được hoàn thành và đến nơi cần đến trong suốt năm học mà không dừng lại ở Mùa hè xanh.
Với sự hữu ích và thiết thực mà mô hình “Máy tính cũ – Tri thức mới” mang lại, Đoàn trường Đại học Công nghệ Thông tin đã vinh dự nhận được giải thưởng Hồ Hảo Hớn năm 2014 của Thành Đoàn TP.HCM – giải thưởng cao quý của Thành Đoàn thành phố dành cho những mô hình, chương trình đóng góp hiệu quả cho công tác Đoàn và phong trào thanh thiếu nhi. Mong rằng, mô hình “Máy tính cũ – Tri thức mới” sẽ phát triển mạnh mẽ và giúp được nhiều địa phương hơn nữa trong tương lai.